Phân tích Đây thôn Vĩ Dạ sẽ giúp độc giả có cái nhìn toàn diện về phong cách nghệ thuật cũng như tâm tư của nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Trong phong trào Thơ Mới, nếu như Xuân Diệu nổi bật với những vần thơ đong đầy cảm xúc, rạo rực thiết tha tình yêu cuộc sống thì nhắc tới nhà thơ Hàn Mặc Tử, người ta nghĩ ngay phong cách thơ đậm chất kỳ dị, điên cuồng. Tuy nhiên, trong thế giới kỳ dị điên cuồng đó người ta vẫn tìm thấy một tình yêu mãnh liệt đến đau đớn, khắc khoải.
Một trong những tác phẩm thể hiện xuất sắc nhất phong cách và tâm tư của Hàn Mặc Tử chính là “ Đây thôn Vĩ Dạ”. Đây cũng là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất và hay nhất của phong trào thơ Mới cũng như trong nền văn học Việt Nam hiện đại.
Đây thôn Vĩ Dạ ra đời trong hoàn cảnh nhà thơ Hàn Mặc Tử lâm bệnh nặng và đang ở trong trại phong Quy Hòa, Quy Nhơn. Lúc này, nhà thơ nhận được một tấm bưu ảnh được gửi từ người bạn gái Hoàng Thị Kim Cúc đến từ thôn Vĩ Dạ. Tấm bưu ảnh ấy có phong cảnh sông nước đêm trăng, có thuyền và bến. Phía sau kèm theo mấy lời thăm hỏi động viên nhà thơ. Sự kiện này đã có tác động mạnh mẽ đến tâm trạng và cảm xúc của nhà thơ, thôi thúc ông viết lên tác phẩm Đây Thôn Vĩ Dạ.
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”
Mở đầu là một câu thơ vừa mang hàm ý trách móc, hờn dỗi vừa có ý tiếc nuối khi nhân vật trữ tình không thể về thăm và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thôn Vĩ.
Ba câu thơ tiếp theo đã lần lượt khắc họa lên bức tranh quê hương thôn Vĩ với vẻ đẹp trong sáng, thanh khiết. Đó là vẻ đẹp của nắng với hai từ “nắng” lặp lại trong cùng một câu thơ “Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”.
Sự tài hoa đầy sáng tạo của ngòi bút của Hàn Mặc Tử thể hiện trong việc người sẵn sàng phá vỡ cái quy tắc lặp từ tối kỵ của thi ca để tạo nên một bức tranh với cái nền vàng chan hòa, dễ chịu tràn ngập không gian, khiến vần thơ cũng như được thổi bừng sức sống tinh khôi và tươi trẻ.
Nếu “nắng hàng cau” thể hiện vị trí mà ánh nắng xuất hiện thì “nắng mới lên” lại mang ý nghĩa tính chất. Đó không phải là cái nắng chói chang của trưa hè mà là cái nắng nhẹ nhàng của buổi sớm mai, tính từ “mới” mang ý nghĩa biểu trưng cho sự khởi đầu.
Bức tranh phong cảnh thôn Vĩ tiếp tục được điểm tô bởi “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”.
Khi những tia nắng mới lên chiếu vào vườn cau, sẽ làm cho những hạt sương đêm đọng lại sáng lên, lấp lánh như những viên ngọc được đính vào “chiếc choàng nhung” xanh mịn:
Chỉ một câu thơ thôi mà cả một khoảng vườn mượt mà, xanh non óng ả đã hiện ra tràn đầy sức sống trước mắt người đọc.
Kết lại khổ thơ đầu tiên là một hình ảnh đậm chất ẩn dụ “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. “Mặt chữ điền” là một hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho khuôn mặt phúc hậu và tính cách nhu mì của con gái Huế.
Bên cạnh đó, chi tiết “lá trúc che ngang” gợi lên sự e ấp, ngại ngùng của cô gái xứ mộng mơ. Sự hài hòa giữa thiên nhiên tinh khôi rạng rỡ và sự đằm thắm dịu dàng của con người đã phần nào phác họa lên bức tranh thôn Vĩ tuyệt đẹp.
Đến với khổ thơ hai, độc giả tiếp tục được chiêm ngưỡng bức tranh thôn Vĩ mở rộng cả về không gian lẫn thời gian.
“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?
Không gian thôn Vĩ trong khổ thơ thứ hai được mở rộng bằng hình ảnh từ trên cao. Ở đây biện pháp điệp cấu trúc câu và điệp từ được sử dụng đồng thời với nhau nhưng lại mang ý nghĩa chia lìa. Gió theo đường gió, mây lại đường mây.
Không chỉ miêu tả sự chia ly mà nhà thơ Hàn Mặc Tử còn tiếp tục nhấn mạnh tâm trạng sầu thảm bằng động từ “buồn thiu”. Đã buồn lại còn có chút cô đơn. Đến đây, cảnh vật đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, từ tươi tắn lúc ban mai thì lại mang nét hoài cổ vào thời điểm này.
Ý thơ “Hoa bắp lay” nếu hiểu theo nghĩa đen là miêu tả một sự rung rinh nhẹ khi có cơn gió đi qua nhưng hiểu sâu hơn thì nó mang ý chỉ sự buồn bã, đơn côi. Cái buồn của thiên nhiên hiện ra trước để làm nền cho cái trầm tư của con người.
“Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?”
Hai câu thơ cuối là một hình ảnh ẩn dụ, thể hiện sự hoang mang, lo lắng của tác giả trước sự hữu hạn của đời mình, lo rằng liệu bản thân còn kịp tận hưởng đêm trắng sáng, hay chính là cuộc đời vốn còn nhiều nuối tiếc.
Câu hỏi tu từ khiến cho cả khổ thơ như chùng xuống hẳn! Thi sĩ đang cảm thán cho số phận ngắn ngủi và những ước mơ vẫn còn dang dở của mình.
“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà”
Khổ thơ cuối bài bộc lộ trực diện nỗi khao khát cuộc sống, khao khát tình yêu của tác giả. Sự khao khát ấy thể hiện cả vào trong giấc thơ “Mơ khách đường xa, khách đường xa”. Biện pháp điệp ngữ một lần nữa lại được sử dụng để diễn tả một cảm giác xa lạ, hình bóng giai nhân đang dần khuất ra khỏi tầm với của tác giả, cứ xa mãi mà dần vụt mất đến độ đôi mắt u sầu của người quá thi sĩ cũng phải xót xa “Áo em trắng quá nhìn không ra”.
“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà”
Một không gian mờ ảo được bao quanh bởi sương và khói như hiện ra trước mắt người đọc. Màu trắng mờ ảo ấy đã làm mờ đi mọi thứ kể cả “nhân ảnh”. Con người dường như cũng bị khuất lấp sau màn sương ấy. Cảm giác vừa thực vừa ảo, lại vừa ma mị giữa không gian và cả tình người.
Câu hỏi tu từ kết bài “Ai biết tình ai có đậm đà?” là một sự đau xót, một tiếng thở dài tuyệt vọng trước sự đổ vỡ của tình yêu
Bài thơ là một khúc ca về tình yêu và niềm khát khao với cuộc sống. Bằng việc sử dụng những phong cách nghệ thuật mang đậm chất riêng của Hàn Mặc Tử, “Đây thôn Vĩ Dạ” thực sự là một thi phẩm xuất sắc với những thi từ đẹp và trong sáng.
“Mai sau, những thứ tầm thường mực thước sẽ biến mất đi, và còn lại của thời kì này một chút gì đáng kể, thì đó là Hàn Mặc Tử”.
Đó là những lời trân trọng mà người bạn thơ Chế Lan Viên dành cho Hàn Mặc Tử và cũng là tiếng lòng của rất nhiều thế hệ độc giả đối với thi nhân tài hoa bạc mệnh này!