Hình ảnh con trâu trở nên quá quen thuộc đối với người dân Việt Nam, tuy nhiên để thuyết minh về con trâu đòi hỏi các bạn học sinh cần phải có kiến thức và nắm rõ các đặc điểm, nguồn gốc, tập tính và giá trị mà chúng mang lại.
Dưới đây, Tung Tăng đã đưa ra dàn ý và bài văn mẫu thuyết minh về con trâu, mời các bạn đọc tham khảo nhé!
Mục lục:
Dàn ý chi tiết thuyết minh về con trâu
1. Mở bài
– Giới thiệu đôi nét về hình ảnh con trâu
– Là con vật quen thuộc, gần gũi, gắn liền với thôn quê, tuổi thơ và xóm làng
– Giá trị mà con trâu đem lại trong đời sống người dân Việt Nam.
2. Thân bài
Nguồn gốc và đặc điểm của con trâu
- Có nguồn gốc từ trâu rừng thuần hóa, thuộc nhóm trâu đầm lầy.
- Động vật thuộc lớp thú, thân mình vạm vỡ, bụng to, thấp, có lông màu xám hoặc xám đen, có đuôi dài thường phe phẩy, hai sừng hình lưỡi liềm, bầu vú nhỏ,…
- Trâu có ích cho người dân Việt Nam.
Tập tính của con trâu
- Thường sống theo bầy đàn, thích sống nơi có đầm lầy, ao bùn.
- Trâu có thói quen nhai lại thức ăn.
- Trâu đẻ từ 1-2 lứa
- Trâu mới được sinh ra chưa có sừng và được gọi là nghé.
Lợi ích của con trâu Việt Nam
a. Trong đời sống thường ngày
– Trâu giúp người nông dân trong công việc ngoài đồng: cày, bừa, kéo xe, chở đồ,…
– Thịt trâu mang lại nguồn lợi kinh tế
– Da trâu có thể làm đồ mỹ nghệ, thời trang
b. Trong đời sống tinh thần
– Trâu là người bạn gần gũi của người nông dân Việt Nam, gắn bó với nhiều tuổi thơ của các bạn nhỏ thôn quê
– Trâu có trong các lễ hội ở Việt Nam:
+ Hội chọi trâu ở Đồ Sơn – Hải Phòng.
+ Lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên.
-Trâu trở thành biểu tượng của SeaGames 22 Đông Nam Á tại Việt Nam.
3. Kết bài
– Tương lai của con trâu
– Hình tượng đẹp đẽ của con trâu trong đời sống hiện đại.
Bài văn mẫu thuyết minh về con trâu
Đã từ lâu, trâu là loài động vật quen thuộc, gắn bó với làng quê, cánh đồng ruộng Việt Nam. Hình ảnh con trâu to khỏe, cần mẫn với người nông dân trên những cánh đồng để kéo cày. Có thể nói, trâu là loài động vật lành tính và đem lại nhiều giá trị cho nhà nông.
Ở Việt Nam, trâu có nguồn gốc từ trâu rừng được thuần hóa hàng ngàn năm, thuộc nhóm trâu đầm lầy. Trâu là động vật thuộc lớp thú có vú, với lông và da màu xám hoặc đen, thân mình vạm vỡ và khỏe mạnh. Bụng của trâu thường rất to, có đuôi dài hay ngoe nguẩy và cặp sừng hình lưỡi liềm giúp trâu tự vệ. Từ xưa, người dân Việt Nam thường dựa vào chiếc sừng trên đầu để phân biệt trâu lành và trâu dữ. Trâu dữ thường sở hữu chiếc sừng dài, uốn cong thành hình lưỡi liềm và cặp mắt to, đỏ, hung tợn.
Trâu có tập tính thường sống theo bầy đàn, đặc biệt là có thói quen và sở thích ở những nơi ao bùn, đầm lầy, thế nên lúc nào chúng ta cũng thấy thân hình con trâu cũng dính đầy bùn. Mỗi năm, trâu chỉ đẻ từ một đến hai lứa, mỗi lứa như vậy chỉ đẻ được một con, trâu con mới sinh thường được gọi là nghé.
Thịt trâu mang lại nguồn lợi cho nền kinh tế và da trâu có thể sử dụng để làm nên những món đồ thời trang, mỹ nghệ công phu. Đặc biệt, trâu chính là con vật có giá trị to lớn đối với đời sống của người dân Việt Nam. Từ lâu, hình ảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau vốn dĩ đã quá quen thuộc và gần gũi với người nông dân. Thế nên, mỗi ngày trâu cùng người dân phụ giúp công việc ở ngoài cánh đồng như kéo cày, bừa ruộng hay kéo xe,… Chúng nó rất chăm chỉ và cần mẫn trong công việc mặc dù chẳng nhận được “đồng lương” nào. Cứ thế mỗi ngày, sáng đi sớm, chiều tối thì về lại chuồng sạch sẽ, được người nông dân chuẩn bị thức ăn là những ngọn cỏ tươi, xanh mướt.
Ngoài ra, trâu còn là loài động vật gắn liền với nhiều tuổi thơ của trẻ em thôn quê. Chăn trâu thả diều là một trong các trò chơi của các bạn nhỏ nông thôn hay nằm trên lưng trâu để học bài, đọc sách và thổi sáo du dương,… Đó chính là những ký ức hồn nhiên, trong sáng và đẹp đẽ nhất mà có lẽ họ sẽ không bao giờ quên.
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta,
Cái cày nối nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy ai mà quản công.
Không những vậy, con trâu còn gắn liền với người dân Việt Nam cùng các lễ hội truyền thống như chọi trâu, đâm trâu, nổi tiếng là lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng) – nơi có truyền thống văn hóa và nhiều di tích lịch sử, mang đậm bản sắc dân tộc. Đồng thời, lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn còn thu hút rất nhiều khách du lịch tham quan, có giá trị văn hóa và tín ngưỡng độc đáo. Lễ hội đâm trâu còn nổi tiếng ở Tây Nguyên, gắn liền với câu ca dao cổ được lưu truyền:
Dù ai buôn đâu, bán đâu
Mồng chín tháng tám chọi trâu thì về
Dù ai bận rộn trăm bề
Mồng chín tháng tám nhớ về chọi trâu.
Chọi trâu không chỉ đơn thuần là hai con trâu chọi nhau, mà qua các lễ hội đó mang đến ý nghĩa cho sự sung túc, thành công của nhà nông “Ruộng sâu, trâu nái”. Từ xưa đến nay, ngoài nhu cầu vui chơi và tìm hiểu thì lễ hội còn là việc tưởng nhớ của người dân đối với những công ơn vị thần, cầu nguyện cho “nhân khang, vật thịnh”. Ngoài ra, người dân còn đặt ra nhiều hy vọng về những chuyến đi biển thuận buồm xuôi gió và niềm tin trong việc quyết định thắng thua, thành bại cho phe giáp ngày trước, cũng như phường xã ngày nay. Cùng với đó, người dân qua các lễ hội còn được nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng được duy trì, trâu còn trở thành biểu tượng của SeaGames 22 Đông Nam Á tại Việt Nam.
Có thể thấy, trâu là hình ảnh mang lại nhiều giá trị cho người dân và nguồn lợi kinh tế, đóng góp rất lớn cho nền nông nghiệp lúa nước Việt Nam. Tuy ngày nay máy móc đã hiện đại, nhưng vẫn không thể xóa mờ được ký ức và hình ảnh của loài vật gắn bó với người nông dân. Là biểu tượng cho đức tính cao đẹp của người Việt Nam: chịu khó, siêng năng, cần cù, hiền lành và chất phác.