Nhắc đến đại thi hào Nguyễn Du, người ta sẽ nhớ ngay đến “Truyện Kiều” một kiệt tác văn chương của nhân loại và cũng là niềm tự hào lớn của dân tộc Việt Nam.
Rất nhiều đoạn trích hay trong Truyện Kiều đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình học của môn Ngữ văn, một trong số những đoạn trích tiêu biểu ấy là trích đoạn “Trao Duyên”. Sau đây, Tung Tăng sẽ gửi đến bạn bài phân tích Trao Duyên hay và sâu sắc nhất.
Đầu tiên, ngay từ cái tiêu đề “Trao duyên” đã gây ấn tượng vô cùng mạnh mẽ với độc giả. Duyên là duyên phận, duyên số, là sắp đặt của ông trời dành riêng cho mỗi người, vậy sao lại có thể mang đi trao cho người khác một cách lạ lùng như thế?
Chính cái đặc biệt ngay từ tiêu đề đã gợi ra cho người đọc những dự cảm không lành, có phần éo le trong đoạn trích này. Và 2 câu thơ đầu tiên đã nói lên điều đó:
“Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”
Đây là lời của Thúy Kiều nói với Thúy Vân. Nàng Kiều muốn mang mối duyên tình của mình với Kim Trọng trao lại cho Thúy Vân, gửi gắm em thay thế mình nối tiếp nhân duyên với Kim Trọng.
Hàng loạt các từ ngữ gợi tả mang giá trị biểu cảm cực đắt như “cậy, chịu, ngồi lên, lạy, thưa” đã thể hiện được như éo le trong hoàn cảnh của Thúy Kiều, nàng mang tình duyên cho mình trao đi, nhưng lại mang vị thế của người đi nhờ vả, nhờ cậy Thúy Vân giúp đỡ mình mà nhận mối lương duyên ấy.
Thậm chí, để thể hiện sự tha thiết mong mỏi của mình nàng chấp nhận quỳ lạy và thưa gửi với chính em gái của mình. Bằng cách khéo léo lựa chọn những từ ngữ gợi tả cực đắt, tác giả Nguyên Du đã khắc họa thành công hình ảnh Thúy Kiều dù trong hoàn cảnh éo le, đầy bi kịch nhưng cư xử, hành động vẫn rất khéo léo, chuẩn mực, nhờ vả em mình bằng tất cả sự kính trọng.
Ngay sau đó, Kiều liền tâm sự, giãi bày hoàn cảnh và thuyết phục Vân hiểu và chấp nhận lời trao duyên của mình
Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.
Kể từ khi gặp chàng Kim ,
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề.
Sự đâu sóng gió bất kỳ,
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai?
Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mủ, thay lời nước non.
Chị dù thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.
Trong đoạn thơ, Thúy Kiều có nhắc đến cụm từ “mối tơ thừa” với ngụ ý rằng, mối tơ duyên này với Thúy Vân là tơ thừa vì rõ ràng Thúy Vân với Kim Trọng đâu có tình ý gì với nhau. Phải chấp nhận mối tơ thừa này quả thật cũng là khó khăn với Thúy Kiều.
Vì sóng gió bất ngờ ập đến với gia đình nên Thúy Kiều đành chấp nhận từ bỏ chữ tình để làm tròn chữ hiếu. Nàng Kiều mong Thúy Vân sẽ vì tình nghĩa chị em, “xót tình máu mủ” mà thay Thúy Vân giữ trọn lời thề ước với Kim Trọng.
Dù là lời đề nghị trao duyên này hết sức khó khăn cho cả Kiều và Vân. Nhưng nếu có được sự chấp thuận của Vân, thì Thúy Kiều dù chết đi cũng cảm thấy yên lòng và mãn nguyện, “Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”.
Sau lời nhờ cậy, giãi bày, Thúy Kiều liền trao lại cho Thúy Vân những kỉ vật của nàng và Kim Trọng.
Chiếc thoa với bức tờ mây
Duyên này thì giữ, vật này của chung.
Dù em nên vợ nên chồng,
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên!
Mất người còn chút của tin,
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.
Tuy trao đi những kỉ vật tình yêu như chiếc vành, bức tờ mây, phím đàn, mảnh hương nguyền cho Thúy Vân nhưng Thúy Kiều vẫn mong rằng, dù đã trao duyên cho Thúy Vân nhưng những kỉ vật này vẫn là kỷ vật cung của ba người.
Mai sau dù có bao giờ,
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này.
Trông ra ngọn cỏ gió cây,
Thấy hiu hiu gió, thì hay chị về.
Hồn còn mang nặng lời thề,
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.
Dạ đài cách mặt, khuất lời,
Rảy xin chén nước cho người thác oan.
Trong đoạn văn trên, Thúy Kiều đã nhiều lần nhắc đến cái chết với ngụ ý là mong Thúy Vân sẽ nhận trao duyên, bởi vì Kiều xác định khi đã bán mình chuộc cha thì không biết sống chết thế nào. Mặt khác, Kiều mong rằng dù mình chết đi thì những người ở hãy hiểu, thông cảm và nhớ đến Kiều.
Bây giờ trâm gãy bình tan,
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!
Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.
Phân sao phận bạc như vôi?
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.
Ôi Kim Lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!
Sau khi dành nhiều câu thơ ngụ ý về cái chết, Thúy Kiều quay về thực tại, dở dang, tình yêu tan vỡ. Thúy Kiều ca thán, xót thương cho phận mình “bạc như vôi”, cuộc đời sắp phải phó thác cho người khác, trôi dạt vô định.
Kết lại đoạn trích “Trao Duyên” là những nỗi thổn thức, xót xa của Thúy Kiều khi thốt “Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang”, nàng đã đau xót, xin lỗi người mình thương vì đã phụ tấm lòng của chàng từ đây.
Bằng việc phân tích trích đoạn trao duyên, chúng ta không chỉ hiểu được bi kịch tình yêu và số phận của Thúy Kiều mà từ đó còn khâm phục và cảm thương cho nhân cách cao đẹp của Kiều, một người con gái tài sắc vẹn toàn, giàu đức hy sinh và giàu lòng vị tha.