Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid, bất cứ ai cũng có thể trở thành F0. Vì vậy việc trang bị kiến thức để có thể tự chăm sóc cho bản thân và gia đình là điều vô cùng cần thiết. Vậy F0 nên làm gì? F0 nên kiêng gì? Mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây của Tung Tăng nhé!
Mục lục:
- F0 nên làm gì?
- Thông báo cho F1 kiểm tra và theo dõi sức khỏe
- Ghi chép lại ngày bệnh đầu tiên
- Chuẩn bị phòng cách ly riêng
- Thông báo với y tế địa phương
- Uống nhiều nước, ăn thức ăn nóng, loãng
- Ngủ nhiều
- Giữ vệ sinh cơ thể và không gian cách ly
- Vận động nhẹ nhàng
- Cách xử trí các triệu chứng thường gặp khi là F0
- Các dấu hiệu nguy hiểm cần liên hệ y tế
F0 nên làm gì?
Thông báo cho F1 kiểm tra và theo dõi sức khỏe
Khi phát hiện bản thân hoặc thành viên trong gia đình trở thành F0, điều đầu tiên cần làm là test Covid tất cả các thành viên trong gia đình. Nếu chỉ có 1 thành viên trong gia đình là F0 thì cách ly riêng F0, các thành viên còn lại trong gia đình phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình sinh hoạt, giữ khoảng cách 2m khi tiếp xúc với F0.
Nếu F0 là trẻ nhỏ hoặc người lớn tuổi cần người chăm sóc thì người chăm sóc phải đeo khẩu trang, kính chống giọt bắn, sát khuẩn thường xuyên, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh…
Ghi chép lại ngày bệnh đầu tiên
Đối với F0, ngày bệnh đầu tiên được xác định là ngày xuất hiện triệu chứng (sốt, ho, mệt mỏi…) hoặc ngày có kết quả xét nghiệm dương tính (nếu F0 không có triệu chứng nào). Việc xác định và ghi chép ngày bệnh đầu tiên rất quan trọng vì F0 cần theo dõi sát sao đặc biệt là khoảng thời gian từ ngày 7 đến ngày 10 là thời điểm bệnh có thể diễn biến nặng, đặc biệt là các đối tượng có nhiều nguy cơ như người chưa tiêm vắc xin, người béo phì, có bệnh nền…
Chuẩn bị phòng cách ly riêng
F0 nên có phòng riêng để cách ly, phòng riêng có nhà vệ sinh riêng càng tốt. Một lưu ý đặc biệt quan trọng là người bệnh F0 không nên sử dụng chung máy lạnh (điều hòa) với các phòng khác, tuyệt đối không để luồng khí thổi từ phòng của người F0 vào không gian chung.
F0 phải cách ly với tất cả mọi người, trong trường hợp tiếp xúc phải giữ khoảng cách 2m.
Thông báo với y tế địa phương
Khi trở thành F0 hoặc trong gia đình có người bị F0, bạn nên thông báo cho trạm y tế để được cấp phát thuốc và hỗ trợ y tế khi cần thiết. Gói thuốc do trạm y phường cấp là gói thuốc A bao gồm thuốc hạ sốt, vitamin và một số trường hợp có thể có thêm thuốc kháng virus Molnupiravir.
Uống nhiều nước, ăn thức ăn nóng, loãng
Khi nhiễm Covid-19, các F0 nên uống nhiều nước, tối thiểu 2 lít nước/ngày, nên ưu tiên uống nước ấm, nước chanh mật ong ấm, nước trái cây. Nếu sốt cao hoặc tiêu chảy thì nên uống dung dịch Oresol để bù nước.
Về chế độ ăn, vì khi nhiễm Covid-19 các F0 thường bị sốt, đau cơ, mệt mỏi, một số trường hợp mất vị giác khứu giác nên không muốn ăn, ăn không ngon miệng. Vì vậy, nên ưu tiên các món ăn mềm, lỏng dễ nuốt như cháo, súp, canh. Nên ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm như tinh bột, đạm, béo, rau xanh để đảm bảo dinh dưỡng giúp cơ thể tạo ra kháng thể chống lại virus. Nên ăn nhiều trái cây, tăng cường tiêu thụ thực phẩm giàu vitamin C, kẽm…
Ngủ nhiều
Người bệnh F0 nên ngủ càng nhiều càng tốt. Lưu ý khi ngủ cần nằm đầu cao 45 độ. Nếu không nằm đầu cao được thì nên nằm nghiêng, úp chân từ hông xuống, đầu vẫn giữ ở tư thế nằm nghiêng (kiểu tư thế ngủ ôm gấu bông). Nếu mệt, khó thở thì người bệnh có nằm sấp.
Giữ vệ sinh cơ thể và không gian cách ly
Các F0 nên giữ tinh thần thoải mái, giữ vệ sinh cơ thể. Nếu F0 thấy mệt thì không nên tắm, chỉ tắm khi thấy đủ sức khỏe, nên tắm nước ấm và tắm nhanh trong 5-10 phút. Đảm bảo phòng tắm kín, tránh gió lùa.
Dù là người bình thường hay F0 nhiễm Covid thì cũng không nên tắm khuya, nên tranh thủ tắm lúc trời còn ấm áp để tránh sự chênh lệch nhiệt độ lớn, khi tắm nên xối nước vào phần chân tay trước để cơ thể quen nhiệt độ rồi mới xối nước đến người, đầu, cổ.
F0 nên thường xuyên vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý 0,9% để giúp đường thở được thông thoáng, không có nhầy đàm gây cản trở không khí vào ra.
F0 nên rửa tay thường xuyên, đặc biệt là các thời điểm như trước và sau khi ăn, sau khi ho, hắt xì, xì mũi, sau khi đi vệ sinh và sau khi thu dọn rác thải, sau khi chạm vào các bề mặt, vật dụng…
Vận động nhẹ nhàng
Ngoài chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý, F0 nên vận động tùy theo tình trạng sức khỏe với các bài tập như tập thở, giãn cơ, vận động tại giường…Việc tập luyện nhẹ nhàng sẽ giúp giãn nở lồng ngực, tăng cường chức năng hô hấp, cải thiện tinh thần…
Tuy nhiên, trong quá trình tập luyện, nếu người bệnh cảm thấy mệt, tức ngực, khó thở thì nên dừng tập ngay và theo dõi cơ thể.
Cách xử trí các triệu chứng thường gặp khi là F0
Triệu chứng thường gặp của các F0 là sốt. Khi bị sốt bạn có thể sử dụng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn sau:
Đối với người lớn: Khi sốt trên 38.5°C hoặc đau đầu, đau nhức người nhiều có thể uống 1 viên thuốc hạ sốt paracetamol 500g/lần, mỗi liều cách nhau từ 4 đến 6 giờ, mỗi ngày không quá 4 viên.
Đối với trẻ em: Khi sốt trên 38.5°C, cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol với liều 10-15mg/kg/lần, mỗi liều cách nhau từ 4 đến 6 giờ, ngày không quá 4 lần. Nếu sau khi uống thuốc hạ sốt mà trẻ vẫn sốt cao không hạ thì liên hệ nhân viên y tế để được hỗ trợ.
Các dấu hiệu nguy hiểm cần liên hệ y tế
– Khó thở, thở hụt hơi
– Thở nhanh
- Với người lớn ≥ 21 nhịp thở/phút
- Với trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi: ≥ 40 nhịp thở/phút
- Với trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi: ≥ 30 nhịp thở /phút
– Chỉ số bão hòa oxy máu giảm: SpO2 < 96%;
– Thường xuyên đau tức ngực thường xuyên, đau nhiều khi hít sâu, cảm giác thắt ngực
– Lú lẫn, lơ mơ, li bì, mệt lả, co giật.
– Tím môi, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
– Trẻ có biểu hiện: Sốt cao, mắt đỏ, lưỡi đỏ, môi đỏ, ăn/bú kém, phù nổi ban đỏ, nốt hoặc mảng xuất huyết…