Trước tình hình dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, để giảm tải cho hệ thống y tế, TP HCM đã cho phép các F0 đủ điều kiện được điều trị tại nhà. Vậy cách điều trị F0 tại nhà như thế nào? Mời các bạn theo dõi trong bài viết dưới đây của Tung Tăng nhé!
Mục lục:
1. Những thứ cần chuẩn bị
Thứ nhất là nơi ở thông thoáng, tốt nhất là có cửa sổ, khu vệ sinh riêng (chỉ sử dụng quạt, không nên dùng điều hoà).
Những vật dụng cơ bản cần chuẩn bị như đồ vệ sinh cá nhân (bàn chải, khăn mặt…), khẩu trang, găng tay, thùng rác riêng, bình đun nước siêu tốc, quạt máy, bát đũa, bột giặt…
Các loại thuốc nên có bao gồm: Thuốc hạ sốt, thuốc chữa đau họng, nước muối súc miệng, xịt mũi, các loại tăng sức đề kháng nhất là Vitamin C, thuốc tiêu hoá, dạ dày, tiêu chảy, dầu gió, oresol uống khi bị tiêu chảy mất nước, Vitamin D3.
Các thiết bị y tế như nhiệt kế, máy đo huyết áp, máy đo oxy trong máu (không bắt buộc).
2) Cách chữa trị F0 tại nhà
Các triệu chứng mà F0 thường gặp phải là
- Sốt, ho khan, mệt mỏi, đau cơ.
- Đau họng, đau đầu chảy nước mũi, nôn, tiêu chảy.
- Mất khứu giác, mất vị giác, tê lưỡi.
Lưu ý, khi bị sốt, người bệnh không nên nằm lâu ở một tư thế, nên nằm nghiêng, nằm sấp, hoặc ngồi thẳng đứng để thay đổi tư thế mỗi 2 giờ một lần.
Thuốc hạ sốt phải được sử dụng đúng liều lượng, mỗi lần uống cách nhau 4-6 giờ tuỳ loại. Không nên nôn nóng mà uống quá liều lượng vì có thể gây hại cho gan.
Không được tự ý dùng thuốc kháng sinh. Tất cả các loại thuốc kê đơn phải do bác sĩ chỉ định.
Về chế độ ăn uống:
Nên uống nhiều nước ấm, hoặc oresol để bù nước. Ăn uống đầy đủ, đúng bữa. Nên ăn đồ nhẹ, dễ tiêu, bổ sung trái cây, vitamin C, không nên ăn quá no. Nên bổ sung những gia vị như tỏi, sả… vào bữa ăn hằng ngày.
Cố gắng đi lại, tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày, hít thở sâu, đều.
Đo thân nhiệt tối thiểu 2 lần 1 ngày, hoặc khi có triệu chứng sốt.
Khi sốt trên 38,5 độ C, có thể sử dụng paracetamol để hạ sốt với liều 10-15 mg/kg/lần, không quá 60 mg/kg/ngày cho trẻ em và không quá 2 g/ngày với người lớn. Lưu ý: Trẻ em không uống quá 4 lần trong một ngày.
Cách đếm mạch
Đặt lòng bàn tay để ngửa, đặt ngón trỏ và ngón giữa của bàn tay kia lên vị trí mạch quay, sau đó ấn nhẹ để cảm giác mạch đập vào đầu ngón tay.
Đối với người lớn, mạch bình thường là 60-90 lần một phút. Khi nào mạch trên 100 hoặc dưới 50 lần thì bạn nên báo y tế.
Đối với trẻ mới sinh, mạch bình thường là 100-160 lần một phút
- Trẻ 0-5 tháng tuổi là 90-150 lần
- Trẻ 6-12 tháng tuổi là 80-140 lần
- Trẻ 1-3 tuổi là 80-130 lần
- Trẻ 3-5 tuổi là 80-120 lần
- Trẻ 6-10 tuổi là 70-110 lần
- Trẻ 11-14 tuổi là 60-105 lần
- Thanh thiếu niên 15-20 tuổi là 60-100 lần.
Cách đo nhịp thở
Thả lỏng cơ thể, nằm thư thái 5-10 phút, sau đó đo nhịp thở bằng cách đếm số lần lồng ngực phồng lên xẹp xuống.
Đối với người lớn, nhịp thở bình thường là 16-20 lần một phút. Nếu nhịp thở trên 22 hoặc dưới 15 lần, bạn nên báo y tế.
Đối với trẻ mới sinh nhịp thở bình thường 30-50 lần một phút;
- Trẻ 0-5 tháng tuổi là 25-40 lần/phút;
- Trẻ 6 tháng – 5 tuổi là 20-30 lần/phút;
- Trẻ 6-10 tuổi là 15-30 lần/phút
- Trẻ 11-20 tuổi là 12-30 lần/phút.
Nồng độ oxy trong máu (SpO2)
Nếu nồng độ oxy trong máu từ 94% trở lên thì người bệnh cần tiếp tục theo dõi 3-4 lần mỗi ngày xem có ổn định hay không.
Nếu nồng độ oxy trong máu cao hơn 90% nhưng thấp hơn 94% thì người bệnh cần liên hệ y tế để được tư vấn hoặc nhập viện.
Nếu nồng độ oxy trong máu thấp hơn 90%, là biểu hiện bệnh Covid-19 trở nặng, người bệnh cần gọi y tế hoặc nhanh chóng vào bệnh viện.