Hiện nay thì trong những mẫu sơ yếu lý lịch luôn có những thông tin mà chúng ta cần phải điền vào. Sơ yếu lý lịch có thể được dùng cho nhiều mục đích khác nhau, phổ biến nhất là nộp cho nhà tuyển dụng để ứng tuyển việc làm. Vậy thì chúng ta hãy cùng tìm hiểu về sơ yếu lý lịch cũng như là các thông tin cần thiết trong đó để hoàn thiện một cách tốt nhất.
Cách vệ sinh laptop tại nhà mà ai cũng có thể thực hiện
Bố mẹ tuổi nào nên sinh con năm 2021?
Thực hư về việc nghe nhạc dễ ngủ hơn vào ban đêm
1. Sơ yếu lý lịch là gì?
Sơ yếu lý lịch hay thường còn được gọi là sơ yếu lý lịch tự thuật. Đây là một bản sơ yếu chứa những thông tin liên quan tới người thành lập, bao gồm các thông tin về cả bản thân mình cùng với thân nhân (bố mẹ, anh chị em…). Mục đích của sơ yếu lý lịch được dùng là cung cấp thông tin cho các đơn vị hành chính hoặc là nhà tuyển dụng.
Đối với việc tuyển dụng, có nhiều ứng viên bị nhầm lẫn giữa CV và sơ yếu lý lịch. Thực tế thì hai loại giấy tờ này lại khác nhau hoàn toàn. CV là giấy chứa các thông tin cá nhân về bản thân, không có bất cứ thông tin nào về thân nhân. Ngược lại sơ yếu lý lịch cần phải có cả thông tin của thành viên trong gia đình, quá trình công tác, học tập….
2. Nội dung trong mẫu sơ yếu lý lịch
Trong một mẫu sơ yếu lý lịch chuẩn thì luôn không thể thiếu được những phần cơ bản như sau:
- Ảnh chân dung: với kích thước 4cm x 6cm.
- Thông tin cá nhân: họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, hộ khẩu thường trú, quê quán, số chứng minh thư, trình độ văn hóa, dân tộc….
- Thông tin gia đình: họ và tên, nơi ở, ngày tháng năm sinh, nghề nghiệp công tác của bố mẹ, vợ chồng, anh chị em…
- Thông tin công tác: thời gian và đơn vị học tập, công tác của bản thân từ khi sinh ra cho tới thời điểm hiện tại.
- Các loại hình khen thưởng hoặc là kỷ luật đã từng nhận trong quá trình sinh sống.
- Lời cam kết về độ chính xác của những thông tin đã cung cấp trong sơ yếu lý lịch.
- Chữ ký cá nhân cùng với xác nhận bằng đóng dấu của địa phương.
Để có thể mua được sơ yếu lý lịch, bạn có thể mua kèm cùng với hồ sơ xin việc ngay tại những cửa hàng văn phòng phẩm, các cửa hàng sách, tiệm photocopy hay thậm chí là ở quán tạp hóa lề đường. Sau khi hoàn thành toàn bộ các thông tin cần thiết trong sơ yếu lý lịch, bạn hãy mang giấy tờ đến cơ quan có thẩm quyền của địa phương (ủy ban nhân dân) để xin xác nhận.
3. Cách điền thông tin trên sơ yếu lý lịch
– Các mục họ và tên: cần được đầy đủ toàn bộ bằng chữ in hoa có dấu.
– Các mục giới tính, ngày tháng năm sinh: được ghi đúng theo thông tin trong chứng minh thư.
– Hộ khẩu thường trú: được ghi theo thông tin có trong sổ hộ khẩu, số nhà phải viết hoa, có đủ cả tên của thôn, phường/xã, quận/huyện, thành phố/tỉnh.
– Thông tin về chứng minh thư: điền đầy đủ thông tin về cả ngày cấp, nơi cấp, số của chứng minh thư/thẻ căn cước.
– Thông tin liên hệ: ghi số điện thoại hiện tại đang sử dụng, nếu có số điện thoại bàn hoặc dùng 2 số điện thoại thì cần cung cấp đủ.
– Người liên hệ: ghi thông tin liên hệ của 1-2 người thân trong gia đình, cũng có thể là người đỡ đầu hoặc bạn bè.
– Nơi ở hiện tại: là nơi đang sinh sống, không phải là quê quán hay là nơi thường trú, chỉ là tạm trú mà thôi.
– Nguyên quán: là thông tin về quê quán, nơi sinh sống của ông bà nội hoặc là cha mẹ.
– Dân tộc: ghi rõ dân tộc mà bản thân mình đang mang, trong trường hợp là người nước ngoài thì cần phải ghi là dân tộc “nước ngoài” hoặc là ghi quốc tịch.
– Tôn giáo: ghi tên đạo giáo mà mình đang theo (Hồi giáo, Phật giáo, Thiên chúa giáo….), nếu không theo giáo nào thì ghi là “không”.
– Thành phần gia đình sau cải cách: mục này có thể ghi dựa theo chức vị gia đình như là bần nông, trung nông, cố nông, địa chủ, viên chức, công chức…
– Thành phần gia đình hiện nay: có thể được ghi theo chức vị gia đình ở thời điểm hiện tại như là: nông dân, công nhân, công chức, viên chức…
– Trình độ văn hóa: ghi theo cấp độ học vấn mà bạn đã đạt tới như là đại học, cao đẳng, trung cấp… nếu mới chỉ học xong cấp 3 thì ghi là “12/12”.
– Trình độ ngoại ngữ: điền các thông tin về ngoại ngữ mà bạn biết kèm theo kỹ năng. Ví dụ Tiếng anh: đọc, viết…
– Trình độ chuyên môn: ghi rõ chuyên môn của bản thân, chuyên ngành theo học, loại hình đào tạo…(cử nhân, kế toán, đại học…)
– Kết nạp đảng/đoàn: ghi thời gian được kết nạp vào đoàn/đảng bao gồm tháng + năm.
– Tình trạng sức khỏe: có thể ghi “thông tin tại phiếu sức khỏe” hoặc là ghi trực tiếp tình trạng được ghi nhận bởi cơ sở y tế.
– Mục nghề nghiệp: ghi rõ nghề nghiệp của bản thân đang làm hoặc đã từng làm.
– Mục cấp bậc: tùy theo chức vụ khi đang làm việc để điền sao cho phù hợp.
– Mục mức lương: điểm theo thu nhập hoặc là lương cứng được chi trả bởi đơn vị mình đang làm việc.
– Thời gian nhập/xuất ngũ: ghi cụ thể thời gian nhập ngũ, thời gian xuất ngũ, nguyên nhân xuất ngũ.
– Hoàn cảnh gia đình: liệt kê thông tin về họ và tên, độ tuổi, nơi ở, nghề nghiệp của cha mẹ, vợ chồng, anh chị em trong gia đình.
– Quá trình hoạt động: liệt kê về những nơi đã từng sinh sống, học tập và làm việc của bản thân kèm theo chức vụ và thời gian tương ứng.
– Khen thưởng/kỷ luật: ghi những thông tin về các loại hình khen thưởng hoặc là kỷ luật đã được nhận nếu có.
Với hướng dẫn về cách điền thông tin trong mẫu sơ yếu lý lịch chuẩn nhất trên bài viết, mong rằng có thể giúp các bạn hoàn thiện được bản sơ yếu lý lịch tốt nhất, giúp xin việc hoặc thực hiện được mục đích của bản thân mình. Chúc bạn thành công.