Trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid 19 thì tiêm vắc xin Covid 19 chính là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bệnh. Mặt khác, nếu người đã tiêm vắc xin Covid 19 có nhiễm bệnh thì tình trạng bệnh sẽ nhẹ hơn và nhanh khỏi hơn những người không chích vắc xin.
Vậy khi tiêm vắc xin covid 19 cần lưu ý những vấn đề gi?
Mục lục:
Vắc xin Covid-19 là gì?
Vắc xin Covid-19 là loại vắc xin được điều chế nhằm giúp cơ thể sản sinh ra kháng thể chống lại virus Sars-Cov-2, ngăn ngừa và làm chậm sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp gây ra do Covid-19.
Trước khi được sử dụng để tiêm cho người dân, các loại vắc xin Covid-19 đều phải trải qua các đợt thử nghiệm lâm sàng gắt gao, được sự phê duyệt, cấp phép sử dụng khẩn cấp của Cơ Quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng như khuyến nghị sử dụng của các chuyên gia y tế trên toàn quốc. Vì vậy, có thể nói rằng tất cả các loại vắc xin phòng Covid-19 đều đã được kiểm chứng hiệu quả và tính an toàn trước khi đưa vào tiêm chủng mở rộng.
Những lưu ý trước, trong và sau khi tiêm vắc xin covid 19
Trước khi tiêm chủng
Chuẩn bị các loại giấy tờ cần thiết như: chứng minh nhân dân/căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế (nếu có), sổ tiêm, sổ khám bệnh, đơn thuốc đã hoặc đang sử dụng trong thời gian gần đây.
Trong ngày đi tiêm chủng, nên khai báo y tế trước khi đến địa điểm tiêm, luôn đeo khẩu trang và thực hiện thông điệp 5K, ăn uống đầy đủ trước khi tiêm.
Chủ động thông báo đến cán bộ y tế những vấn đề liên quan đến sức khỏe hiện tại, ví dụ như:
- Tình trạng hiện tại (có ho, sốt, khó thở ….không)
- Có đang điều trị các bệnh mạn tính không?
- Các loại thuốc đã và đang điều trị trong thời gian gần đây
- Tiền sử dị ứng của bản thân
- Các loại vắc xin đã tiêm hoặc uống trong vòng 14 ngày qua
- Nếu là nữ, thì có đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ không?
Trong khi tiêm chủng
Tất cả vắc xin COVID-19, bất kể nhà sản xuất nào, đều được sử dụng theo cùng một cách. Vắc xin sẽ được tiêm vào phần bắp ở cánh tay của bạn.
Mặc dù quá trình tiêm diễn ra rất nhanh nhưng hãy nhớ luôn đeo khẩu trang trong suốt quá trình tiêm và quay mặt về phía khác so với người tiêm chủng – để giúp giữ an toàn cho cả hai.
Nếu bạn đang cảm thấy hồi hộp hoặc lo lắng, hãy hít thở sâu, không nhìn vào kim, và nhớ rằng một vết chích nhỏ có thể cứu sống bạn.
Sau khi tiêm chủng
Sau khi tiêm xong, nên ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi sau tiêm, nếu có các phản ứng bất thường sau tiêm chủng, nên báo ngay cho cán bộ y tế để xử lý kịp. Khi về nhà, nên tiếp tục theo dõi sức khỏe trong thời gian 3 tuần kể từ ngày tiêm vắc xin.
Các tác dụng phụ thường gặp sau khi tiêm chủng:
Các tác dụng phụ sau khi tiêm vắc-xin cho thấy hệ thống miễn dịch của chúng ta được kích hoạt để xây dựng khả năng miễn dịch chống lại COVID-19. Các tác dụng phụ này thường nhẹ và tự khỏi. Bao gồm:
- Sốt nhẹ
- Đau đầu
- Đau nhức cơ thể hoặc đau cơ
- Mệt mỏi
- Đau, đỏ hoặc sưng tại chỗ tiêm
Phản ứng dị ứng là gì?
Tình trạng dị ứng với vắc-xin xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức với vắc-xin được tiêm, dẫn đến một loạt các phản ứng bất lợi ảnh hưởng đến các bộ phận trong cơ thể. Bên cạnh tác động trực tiếp của vắc-xin COVID-19, các phản ứng dị ứng có thể bắt nguồn bởi các tình trạng tinh thần không ổn định như căng thẳng, sợ hãi và lo lắng. Tuy nhiên, các phản ứng dị ứng liên quan đến vắc-xin thường rất hiếm.
Các phản ứng dị ứng với vắc-xin có thể xuất hiện trong vòng 30 phút sau khi tiêm vắc-xin. Bao gồm:
- Phát ban da hoặc nổi mề đay
- Sưng hoặc ngứa ở mặt, môi và cổ
- Khó thở
- Huyết áp thấp
- Buồn nôn
- Đau bụng
Các hướng dẫn sau tiêm chủng bao gồm:
Nếu sốt nhẹ hoặc nhức đầu, có thể dùng thuốc hạ sốt và giảm đau theo lời khuyên của bác sĩ.
Đến cơ sở y tế ngay lập tức nếu phát ban da, mày đay, sốt cao, chóng mặt hoặc yếu liệt cánh tay hoặc chân,
Tất cả các biện pháp phòng ngừa phải được tuân thủ nghiêm ngặt, bao gồm đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc nước rửa tay và luôn duy trì khoảng cách xã hội khi ở nơi công cộng.