Phích nước (hay còn gọi là bình thủy) là một vật dụng quen thuộc, hữu ích và phổ biến trong mỗi gia đình. Sau đây Tung Tăng sẽ giới thiệu đến các bạn bài thuyết minh về cái phích nước hay nhất.
Năm 1892, nhà vật lý học Sir James Dewar đã phát minh ra phích nước nhờ cải tiến từ thùng nhiệt lượng kế của Newton. Phích nước có hình trụ, chiều cao khoảng 50cm và gồm có 2 bộ phận và ruột phích và vỏ phích.
Phần vỏ phích bao gồm các bộ phận như nắp phích, cổ phích, thân phích, đáy phích, quai xách. Trước đây, phần vỏ phích thường được làm bằng nhôm hoặc tre đan. Hiện nay, vỏ phích chủ yếu làm bằng chất liệu nhựa.
Phần quai phích có 2 loại quai đó là một quai hình chữ U ngược, có 2 đầu gắn ở 2 bên cổ phích để người dùng có thể dễ dàng xách phích di chuyển đi nơi khác. Một loại quai khác được gắn ở thân phích giúp người dùng dễ dàng hơn khi rót nước.
Nắp phích được làm bằng nhựa nếu là phích nhựa hoặc làm bằng gỗ nếu là phích kim loại. Nắp phích có tác dụng là ngăn cản hiện tượng truyền nhiệt của nước và giữ không có nước trong phích tràn ra ngoài.
Thân phích có hình ống thường được in hoa văn, họa tiết trang trí. Thân phích có nhiệm vụ là là bảo vệ ruột phích không bị vỡ.
Đáy phích có hình tròn, có nhiệm vụ giữ cho phích đứng trụ trên mặt đất. Bên trong đáy phích có một lớp đệm nhỏ bằng cao su dùng để cố định ruột phích.
Phần ruột phích gồm hai lớp thủy tinh được tráng bạc để phản chiếu bức xạ nhiệt, giữ nhiệt ở lại trong phích. Ở giữa hai lớp thủy tinh là chân không giúp nhiệt không truyền được ra bên ngoài. Ruột phích làm bằng chất liệu thủy tinh nên có đặc tính là mỏng và dễ vỡ.
Cách lựa chọn phích nước tốt: Khi mua phích, người dùng nên lựa chọn kỹ phần ruột, vì sẽ ảnh hưởng đến khả năng giữ nhiệt của phích nước.
Khi nhìn từ trên miệng phích xuống đáy phích sẽ thấy một điểm màu sẫm ở chỗ van hút khí. Nếu điểm đó càng nhỏ thì van hút khí sẽ càng tốt. Áp miệng phích vào tai nếu nghe tiếng “o…o…” là phích tốt. Ngoài ra bạn cũng có thể tháo đáy phích kiểm tra xem núm thủy ngân có còn nguyên vẹn hay không.
Nếu ruột phích kém chất lượng thì khi thay đổi nhiệt độ đột ngột ví dụ như đổ nước lạnh vào khi bình đang nóng hay đổ nước nóng khi bình đang nguội lạnh có thể khiến bình bị nổ.
Phích mới mua về, bạn nên đổ nước sạch vào ruột phích súc rửa nhiều lần cho sạch bụi bẩn, sau đó để ráo. Trong lần đầu tiên sử dụng, bạn không nên đổ nước nóng vào ngay, vì ruột phích đang nguội gặp nhiệt độ cao có thể gây hiện tượng nứt, nổ ruột phích. Bạn nên đổ nước ấm với nhiệt độ khoảng 50 độ – 60 độ vào ½ ruột phích và để khoảng 30 phút để ruột phích làm quen với nhiệt độ từ từ. Sau 30 phút, bạn đổ lượng nước ấm đó đi và đổ nước sôi vào.
Mỗi lần đổ nước mới vào phích, bạn nên đổ hết lượng nước cũ ra, lắc nhẹ nhàng tráng ruột phích cho sạch cặn. Một bí quyết giúp giữ nước nóng lâu hơn là bạn không nên đổ nước quá đầy, giữa lượng nước trong phích và nút phích nên có một khoảng trống để cách nhiệt.
Trong trường hợp phích nước sử dụng đã lâu khiến ruột phích có cặn bám ở đáy thì bạn có thể làm sạch bằng cách đổ một ít dấm vào ruột phích, đậy nắp phích lại và lắc nhẹ nhàng, để khoảng 30 phút và sau đó rửa sạch ruột phích và bằng sạch.
Khả năng giữ nhiệt của phích nước sau 6 tiếng còn 60 độ C so với 100 độ C nước sôi lúc mới rót vào phích. Hiện nay, phích nước có nhiều loại, nhiều mẫu mã và kích thước khác nhau. Nhỏ nhất là loại phích nước nửa lít, kích thước trung bình là phích nước 1,5 lít và loại lớn có dung tích từ 2 đến 3,2 lít.
Cùng với sự phát triển của xã hội, hiện nay có rất nhiều vật dụng có khả năng giữ nhiệt, giữ ấm tốt. Tuy nhiên, chiếc phích nước vẫn luôn là người bạn đồng hành không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt.