Tổng hợp cách tự làm phân trùn quế tại nhà hiệu quả 100%

Tự ủ phân trùn quế tại nhà rất đơn giản và có nhiều lợi ích. Việc ủ phân trùn quế vừa giúp giải quyết các loại rác thải nhà bếp, vừa tạo ra phân bón hữu cơ an toàn cho cây trồng. Ngoài ra trùn quế còn làm thức ăn vỗ béo cho gia cầm rất tốt. Tự làm phân trùn quế còn giúp nhà vườn tiết kiệm được nhiều chi phí. Sau đây là tổng hợp các cách tự làm phân trùn quế tại nhà đảm bảo thành công và chất lượng.

Chuẩn bị trước khi làm phân trùn quế

Trước khi ủ chúng ta cần mua sinh khối trùn quế ở nơi uy tín. Sau quá trình vận chuyển trùn vẫn còn sống và hoạt động. Hiện nay trên thị trường có nhiều địa chỉ bán sinh khối trùn quế với giá thành phải chăng dao động từ 15.000 – 20.000vnđ/kg tùy theo số lượng và khu vực. 

Chuẩn bị vị trí khô ráo, thoáng mát, không bị mưa dột để ủ phân. Vị trí ủ phải có bạt che mưa che nắng. Nên ủ ở nơi tối vì trùn quế sợ ánh sáng. 

Sau đó chuẩn bị thêm thùng ủ (bằng gỗ, nhựa, xốp,…) và bọc nilon đen để che kín trong quá trình ủ. Thức ăn của trùn quế là phân bò, rác thải nhà bếp,… mà mọi người có thể tận dụng nguồn sẵn có. 

vai trò của phân trùn quế trong cải tạo đất trồng, cách tự làm phân trùn quế tại nhà

Cách tự làm phân trùn quế tại nhà bằng rác thải nhà bếp

Phương pháp ủ phân trùn quế bằng rác thải nhà bếp rất đơn giản. Đồng thời còn tận dụng được nguồn rác nhà bếp trong gia đình. Vì vậy không cần tốn chi phí mua thức ăn cho trùn quế. Để nâng cao chất lượng phân thì mọi người nên ủ rác thải nhà bếp trước khi cho trùn ăn. Đặc biệt nên ủ bằng chế phẩm sinh học để khử mùi hôi, giúp rác thải phân hủy nhanh hơn.

Đầu tiên mọi người cần chuẩn bị thùng xốp, đục lỗ thoát nước để ủ rác nhà bếp. Chuẩn bị các loại rác nhà bếp như cùi bắp, vỏ dưa hấu, vỏ táo,… tránh các loại vỏ có chứa tinh dầu như cam, quýt. Đổ một ít chế phẩm sinh học EM hoặc Trichoderma vào và trộn đều lên. Trong quá trình ủ cần đậy kín nắp và kê cao thùng ủ. Sau 6 – 7 ngày là có thể đem ra cho trùn ăn. Cho ăn theo cách này thì mọi người có thể tận dụng được hết rác thải và cho ăn được nhiều hơn. Còn cho ăn thực ăn tươi thì có nhiều hạn chế và có khả năng gây mùi hôi.

Sau khi đã có rác thải nhà bếp thì mọi người rải thức ăn lên cho trùn quế ăn. Nên rải theo hàng và có khoảng trống để trùn ăn dễ dàng, không bị ngộp. Cho thức ăn xong thì tiếp tục bọc bao nilon lại và kê cao thùng ủ. Nên cho ăn với lượng thức ăn vừa phải để tránh trùn không ăn hết. Ủ sâu khoảng 1 thác là mọi người có thể thu hoạch phân và bón cho cây trồng.

Cách tự làm phân trùn quế tại nhà bằng phân bò

Bên cạnh rác thải nhà bếp thì phân bò cũng là nguồn thức ăn hữu dụng cho trùn quế ăn. Phân bò sau khi được trùn quế tiêu hóa đã được xử lý chất hữu cơ, các hạt cỏ. Chú ý cho trùn quế ăn thì nên cho ăn phân bò tươi. Cách cho ăn là hòa loãng với nước rồi tưới vào thùng ủ cho trùn quế ăn, 1kg phân bò thì pha với 5 – 6l nước. Nên hòa loãng phân vì nếu cho ăn trực tiếp sẽ gây mùi hôi thối và dẫn dụ côn trùng đến phá. Nên bón cho trùn quế ăn hằng ngày và quan sát độ ẩm của thùng ủ.

Bên cạnh đó mọi người có thể cho ăn phân khô nhưng phải xử lý trước. Trộn 1kg phân bò với 1.5l nước sạch, rắc 20gr chế phẩm EMZEO và ủ trong 3 – 4 ngày. Rải thức ăn vừa đủ cho trùn ăn và cho ăn lại khi trên mặt luống đã hết thức ăn.

Sau 1 tháng khi phân có màu nâu, tơi xốp và có chứa nhiều trùn con là có thể thu hoạch.

Cách tự làm phân trùn quế bằng thùng xốp 2 tầng

Thực hiện cách này thì mọi người cần chuẩn bị 2 thùng xốp để vừa có nơi cho trùn ăn, vừa có nơi cho trùn ở. Trùn quế sẽ sinh sống ở thùng dưới rồi chui lên thùng lên ăn thức ăn và thải ra phân.

Đầu tiên chuẩn bị 2 thùng xốp có kích thước 50 x 35 x 25 cm. Thức ăn là rác nhà bếp, chuẩn bị thêm đất và sinh khối trùn quế. Sau đó mọi người thực hiện theo các bước sau:

Lấy thùng xốp đầu tiên và đục nhiều lỗ ở dưới. Thùng thứ 2 thì chỉ cần khoét đáy để thoát nước.

Sử dụng thùng xốp đầu tiên, cho đất và rải sinh khôi trùn quế lên rồi đặt thùng thứ 2 lên trên. Đổ đất vào thùng 2 và cho rác thải hữu cơ phía lên làm thức ăn.

Mọi người chú ý ghép 2 thùng xốp sát nhau để trùn quế dễ dàng di chuyển. Đặt thùng ở nơi khô ráo, thoáng mát, tối và kê cao để tránh côn trùng, ẩm ướt. Sau một thời gian mọi ngủ quan sát và thu hoạch phân.

Một vài lưu ý khi nuôi trùn quế

  • Khi nuôi trùn cần đặt thêm một chiếc khay để hứng nước thải của trùn quế. Nước thải này có thể đem tưới cho cây rất tốt.
  • Chú ý quan sát độ ẩm của thùng ủ và duy trì độ ẩm. Nếu môi trường quá khô nóng thì trùn quế sẽ bỏ đi.
  • Không nên cho trùn quế ăn thức ăn có vỏ trái cây chứa tinh dầu.
  • Khi ủ phân cần che kĩ càng để tránh côn trùng và ánh sáng.

Kinh nghiệm thu hoạch phân trùn quế

Biết được cách thu hoạch phân sẽ giúp nâng cao chất lượng và lấy phân thuận lợi hơn. Thông thường nuôi trùn quế sau một tháng là có thể thu hoạch phân. Căn cứ vào lượng phân để mà nhận biết thời gian thu hoạch. Nếu phân nhiều thì tiến hành thu hoạch còn ít thì tiếp tục nuôi. Có 3 cách thu hoạch trùn quế phổ biến mà mọi người có thể tham khảo:

  • Thu hoạch bằng tay: Nên cho trùn ăn 3 ngày trước khi thu hoạch. Sau 3 ngày tiến hành xúc các vùng bạn đã cho ăn rồi đặt tất cả xuống một tấm bạt. Cho trùn quế và phân phơi nắng 10 phút. Lúc này trùn sẽ chui xuống hết vào phía dưới và ta có thể dễ dàng xúc phân.
  • Nhử mồi: Đây là cách dễ dàng và thu hoạch được nhiều phân. Đầu tiên mọi người gạt hết phân trùn quế ở giữa và cho thức ăn vào giữa. Lúc này trùn quế sẽ đổ xô vào giữa để ăn. Khi thu hoạch thì xúc lớp phân bò đi. Còn một cách đơn giản hơn là cho thức ăn vào rổ tre, đặt vào thùng nuôi trùn quế và tưới ẩm. Khi đói trùn quế sẽ chui vào rổ. Muốn thu hoạch thì nhấc rổ lên là thu hoạch được trùn quế.
  • Đe dọa trùn quế: Mọi người xúc toàn bộ phân và trùn vào một chậu nhôm rồi đùn thành đống. Lấy que gõ nhẹ vào thành chậu. Trùn quế sợ tiếng động và ánh sáng nên sẽ tập trung chui xuống phía dưới. Đến khi chúng chui xuống dưới hoàn toàn và quấn vào nhau là có thể thu hoạch phân. Trùn quế đem cho gà ăn.

Kết luận

Tự làm phân trùn quế sẽ tiết kiệm và an tâm hơn nhiều. Đặc biệt là các nhà vườn trồng cây quy mô nhỏ thì nên tự làm phân tại nhà cho tiết kiệm. Sau khi thu hoạch có thể giữ lại nuôi cho đợt phân sau. Rất dễ dàng và ít tốn kém đúng không nào!
Tham khảo thêm kiến thức làm vườn đô thị tại Thế giới làm vườn.

5/5 - (1 bình chọn)